Wednesday, November 26, 2014

1257. NGUYỄN DƯƠNG QUANG Nửa đêm chợt nhớ bài thơ cũ



Đêm trăng trên bãi biển Duồng - Ảnh Benkhang




Tuổi già ngồi nhớ vu vơ
xa xưa ... một cõi đời Thơ chiến trường.


Trước 1975, tôi làm thơ rất ít, thường chỉ chép tặng hay đọc cho bạn bè nghe trong những giờ rảnh rỗi của đời lính, ai gọi là “nhà thơ” thì thường thấy hổ thẹn, không dám nhận. Thấy thơ mình “đơn giản quá, nhẹ quá”, tôi không dám gởi cho báo nào cả.

Tuy nhiên có một trường hợp đặc biệt: bài thơ Đêm kích dưới chân đồi Pá được đăng trong  Khởi Hành số 29 (theo trí nhớ). Đặc biệt, vì không do tôi gởi báo mà do bạn bè gởi và đặc biệt vì đó là bài thơ duy nhất của tôi được đăng báo.

Thơ thời lính chiến và bài thơ trên báo Khởi Hành

Tháng 8/1968, tôi rời Trường Bộ Binh Thủ Đức về Tiểu khu Bình Thuận. Trước đó, khi còn ở quê nhà Dran, cách Đà Lạt 36km, một quận lỵ nhỏ phủ đầy sương, đẹp và buồn, sau giờ dạy học, là trưởng ban văn nghệ và thủ quân đội túc cầu của quận, tôi thường xuyên tổ chức các buổi trình diễn văn nghệ và đá banh, ít để ý đến chuyện thơ văn. Tuy vậy, tôi cũng có giờ rảnh để đọc Kim Dung, Phổ Thông, Tiểu Thuyết Thứ Bảy... (ông ngoại tôi đặt mua dài hạn nhiều tạp chí và mua đủ các bộ truyện Kim Dung).

Những ngày trước khi xa Dran, tôi không biết Sao Trên Rừng đã mọc lên ở đây (Nguyễn Đức Sơn), họa sĩ Đình Cường đã từng có ở đây nhiều bức tranh rất đẹp, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng đến bưu điện Dran gởi thơ cho Dao Ánh và nhà văn, nhà thơ Trần Hoài Thư cũng đã qua thời thơ ấu ở Dran.

Giữa năm 1969, mê cô bé mười sáu tuổi bán rau ở chợ Duồng (quận Hòa Đa, Bình Thuận), tôi bỏ Ban 3 Bộ chỉ huy hành quân liên Chi khu Bắc Bình Thuận ở Sông Mao, xin ra tác chiến, về một Đại đội Biệt Kích Mỹ đồng hóa địa phương quân đóng đồn ở ngã ba Duồng (nơi Phạm Cao Hoàng  viết bài thơ Bạch tiễn tôi ở ngã ba Duồng được nhiều người yêu thích). Qua anh trai cô bé, tôi được cho ở trọ nhà nàng trong những ngày nghỉ phép hay khi rảnh việc quân. Nàng đẹp, hiền hậu chân quê. Tình tôi và nàng mới vừa nhen nhúm thì mẹ nàng sợ tên sĩ quan lỳ lợm trong khi con gái mình còn quá nhỏ nên gởi nàng lên Di Linh ở với chị. May mà không hiểu sao một năm sau bà gọi con gái về lại và nhận tôi là rể.

Ở chung nhà, tôi thấy Phạm Cao Hoàng  hay ngơ ngơ ngẩn ngẩn làm thơ, chép vào một quyển vở học trò (đôi khi tôi lén đọc mấy bài thơ tình trong quyển vở Phạm Cao Hoàng bỏ quên ở nhà khi đến lớp dạy). Lúc ấy tôi cũng đang ngẩn ngẩn ngơ ngơ vì nàng bị mẹ gởi lên tận vùng núi Di Linh, bao nhiêu là nhung nhớ vì cách xa. Tôi viết được hai câu:

Vói tay cao hết sức mình
níu cao nguyên xuống để nhìn thấy em

rồi đưa cho Phạm Cao Hoàng xem. Phạm Cao Hoàng gật gù: “Ông làm thơ được đấy chứ! Làm tiếp đi”.  Được khen, tôi vui lắm và từ đó rắp tâm làm thơ.

Thơ tình thì chỉ hai câu trên là bí, “hết sức mình rồi”. Đêm giao thừa 1969 – 1970, tại đồn đóng quân, tôi viết bài thơ lính đầu tiên Đêm cuối năm viết cho má, rồi viết tiếp một số bài trong năm 1970.

Lần hồi, tôi quen thêm Từ Thế Mộng, Nguyễn Thanh Trịnh (Đoàn Thạch Biền), Nguyễn Lệ Tuân, Huỳnh Hữu Võ, Tô Duy Thạch, Đài Nguyên Vu, Cao Nhật Vũ ở Phan Rí, Nguyễn Bắc Sơn, Lê Văn Chính ở Phan Thiết và tập tễnh gia nhập làng văn thơ địa phương Bình Thuận dù mình là nghiệp dư nhất.

Trong những lần đọc thơ, ca hát lúc họp mặt bạn bè văn thơ, Nguyễn Lệ Tuân hay đọc bài Đêm cuối năm viết cho má của tôi, giọng nghẹn ngào, mắt rưng rưng nghe thật cảm động. Cũng cảm động không kém khi một số lính trong tỉnh lại thuộc bài Chiều trên rừng trong mật khu Lê Hồng Phong. Riêng bài này, tôi đã chép tặng Đại úy Đặng Trung Đức, Tiểu đoàn trưởng TĐ 1, TrĐ 44, SĐ 23 Bộ Binh mà tôi quen trong dịp đội bóng của Đại đội tôi đá giao hữu với đội bóng TĐ1/44 mà tôi và Đ/U Đức là cầu thủ của hai bên. Nhận bài thơ, Đ/U Đức tặng lại cho tôi 100 trái mìn claymore để tăng cường phòng thủ đơn vị và về sau có người cho tôi biết Thiếu tá Đức đã tử trận ở Komtum, khi lấy xác trong túi anh còn bài thơ này. Hình ảnh trẻ trung, say mê  thơ và đàn hát của anh Đức tôi vẫn còn nhớ.

Một hôm, Huỳnh Hữu Võ đưa cho tôi tờ Khởi Hành số 29, bảo mở ra xem. Tôi thật bất ngờ khi thấy bài thơ Đêm kích dưới chân đồi Pá được in ở góc trên một trang bên phải, đặc biệt có tranh minh họa của họa sĩ Nguyễn Hải Chí vẽ một thiếu nữ có mái tóc dài bồng bềnh thật dễ thương. Tôi hỏi “ Ông gởi phải không?” Huỳnh Hữu Võ không đáp, chỉ cười.

Làm sao nói hết nỗi vui khi cầm tờ Khởi Hành số 29 trên tay? Tôi như một đứa trẻ bất ngờ được quà. Tôi nhảy múa hò reo. Chiều đó tôi đãi ra trò bạn văn nghệ, vừa lai rai, vừa đọc, ngâm thơ, đàn ca sáo thổi. Nói thêm về chuyện đàn ca sáo thổi: dù tôi ở đơn vị tác chiến, Quận/ Chi Khu Trưởng Hòa Đa, Bình Thuận giao cho tôi đội văn nghệ và đội bóng đá của quận. Kịch thì có lính, ca và vũ có lính và nữ sinh Trung học do giáo sư dạy môn Triết Nguyễn Thanh Trịnh tiến cử, có lúc tôi đưa cả Phạm Cao Hoàng lên sân khấu hát với lời giới thiệu là ca sĩ Hoàng Phúc. Phạm Cao Hoàng làm thơ, ngâm thơ và hát đều hay cả.

Khởi Hành số 29 ở chung với tôi đến ngày di tản. Sau ngày cải tạo về, anh vợ tôi cho hay đã đốt hết Khởi Hành chung với Văn, Bách Khoa, Thời Tập và mấy trăm bản nhạc, một số tập nhạc vì sợ...

Sau 1975,  số phận những bài thơ thời chiến

Suốt mấy năm đời lính, tôi cũng như nhiều người làm thơ trong QLVNCN, cũng như hạ sĩ quân y TK Bình Thuận, hội viên Hội Văn nghệ sĩ Quân đội Nguyễn Văn Hải (Nguyễn Bắc Sơn, trước là Thông dịch viên Biệt kích Mỹ):

Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
mang trong đầu những ý nghĩ trong veo...

cả khi cải tạo về, tôi cũng vẫn “trong veo”:

Cải tạo về lên non phát rẫy
vợ lo phe phẩy, ta tiều phu
độc lập, tự do, hạnh phúc nhất
vừa làm chủ vừa làm bí thư

Tả xung hữu đột tan cây cỏ
phút chốc một vạt Đông Trường sơn
súng đạn thua rồi , nay trận rựa
chiến chinh, chinh chiến ta coi thường...

Suốt một năm đầu tôi phải ăn bám vợ, cứ nửa tháng một lần nàng vào rừng tiếp tế cho tôi gạo, mắm, thuốc lá. Thực phẩm thì tôi có thừa nhờ một làng cá trắng dưới con suối nhỏ kề bên chòi lá của tôi. Tôi phá núi trồng khoai lang “thành công tốt đẹp”: bụi nào cũng có củ nhưng thường nhỏ rí hay sùng. Sau đó, nhờ có người giới thiệu, tôi bỏ rẫy đi buôn phân bón. Chỗ phân xác cá nhiều và tốt nhất lại là Bình Thuận. Tôi lại có rất nhiều dịp về “chiến trường xưa”, gặp lại bạn thơ, lính cũ.

Một ngày khoảng đầu thập niên 80 của thế  kỉ trước, tôi được mời tham dự đám cưới con gái đầu của nhà thơ Từ Thế Mộng tại nhà anh ở Phan Thiết. Tại đây, ngoài hát giúp vui đám cưới còn có mục đọc thơ. Sau khi Nguyễn Bắc Sơn đọc bài Nhị hồng, Từ Thế Mộng gọi tôi và giới thiệu luôn tựa đề bài thơ phải đọc Chiều trên rừng trong mật khu Lê Hồng Phong. Tôi sợ quá, lỡ có ông cán bộ hay công an nào trong đám khách trên trăm người này thì sao? Làm sao tôi còn được lên xuống Đà Lạt – Phan Thiết buôn bán làm ăn? Sợ, nhưng phải liều, vẫn chất lính mà! Nhờ vừa đọc vừa hát (rải trong bài thơ 7 đoạn có 3 câu là các nốt nhạc của bài hát O’Cangaceiro!), tôi được tán thưởng khá nồng nhiệt, khán thính giả vừa vỗ tay vừa la ...không ó. Lúc này chỉ mới vài năm sau “giải phóng”, tôi “cự nự” Từ Thế Mộng, anh cười hết cỡ bảo “Có gì đâu!”.

Ít lâu sau, một hôm tôi theo Từ Thế Mộng, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Như Mây, Lê Nguyên Ngữ đến dự buổi đọc thơ do Hội Văn Học Nghệ Thuật  tỉnh Thuận Hải tổ chức (lúc này Thuận Hải chưa tách thành 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận). Tôi nhìn quanh trong hội trường thấy lưa thưa vài “ngụy”, một số ít bộ đội, còn lại đa số là cán bộ chắc cũng xuất thân từ bộ đội. Khi được giới thiệu đọc thơ, tôi quyết định “thử phổi” cả hội trường và cả tôi bằng bài Đêm kích dưới chân đồi Pá, không ngờ lại “thành công tốt đẹp”, bình an vô sự, những tiếng khen nhân văn, nhân bản râm ran.

Từ đó, tôi “hiên ngang” đọc những bài thơ cũ viết trong thời chiến của mình trong nhiều buổi đọc thơ cho dù có người tán thưởng, có người chau mày, nhìn chỗ khác. Tôi vẫn “bình an vô sự”, có lẽ vì số hên.

Năm 1997, Trinh Đường (1921 – 2001), một nhà thơ lớn tuổi từ Hà Nội vào Nam sưu tầm thơ để thực hiện Một thế kỉ thơ Việt. Một lần dừng chân tại Đà Lạt, ông tổ chức một “buổi giao lưu thơ đặc biệt” gồm sáu người: một bên là ba sĩ quan cấp tá bộ đội, một bên là tôi, Huỳnh Hữu Võ và Tô Duy Thạch. Cả ba bộ đội đọc một số bài thơ chiến đấu nảy lửa, phía ba người chúng tôi đọc các bài thơ mình viết trong thời chiến và đọc thêm thơ của Tô Thùy Yên, Nguyễn Bắc Sơn (Tô Duy Thạch còn nhớ một số đoạn trong bài Trường Sa hành và nhất là đoạn I của bài Chiều trên phá Tam Giang của Tô Thùy Yên). Kết thúc buổi giao lưu, nhà thơ Trinh Đường tuyên bố: “trong đời tôi đã dự hàng ngàn buổi đọc thơ nhưng hôm nay là buổi đọc thơ tuyệt vời nhất”. Sau đó, ông nói riêng với chúng tôi: Miền Nam nhân văn, thơ hay lắm, thua là phải.

Bước ngoặc của số phận những bài thơ thời lính chiến của tôi được đánh dấu bằng việc các anh Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn thực hiện Bộ sưu tập Thơ miền Nam trong thời chiến. Từ đó hầu hết các bài thơ thời chiến của tôi  đã được in trong hai tập Thơ miền Nam trong thời chiến  tập I, II và các số Thư Quán Bản Thảo.

Thơ miền Nam trong thời chiến  phát hành ở Mỹ, tuy nhiên tiếng vang ở Việt Nam rất lớn. Do số sách chuyển về không nhiều, cũng như một số ít người khác có được bản chính, tôi photo ra cho một số bạn thơ. Tôi có tặng bản photo cả hai tập cho một nhà giáo, nhà thơ dạy môn Văn tại Đại học Đà Lạt để anh nghiên cứu theo lời anh yêu cầu, anh rất thích tuy vẫn thắc mắc là làm sao có chuyện sĩ quan QLVNCH ra lệnh thả nữ Việt Cộng? Tôi cười đoan chắc với anh là không chỉ có mỗi trường hợp Linh Phương mà cả miền Nam còn một số trường hợp khác dù các nữ Việt Cộng ấy không chắc đã đẹp bằng con gái Sài Gòn, hình như anh tin.

Năm 2012, tôi in tập thơ riêng Đêm ôm đàn uống rượu một mình. Nhà xuất bản thứ nhất lắc đầu, NXB thứ hai bỏ 6 bài trước  1975 và một phụ bản tranh Đinh Cường, NXB thứ ba bỏ hai bài viết sau 1975. Giữ được tất cả các bài thơ trong thời lính chiến, tôi mừng vô hạn. Thế là số phận các bài thơ đời lính trước 1975, các bài tâm huyết nhất, từ Khởi Hành đến Thư Quán Bản Thảo, đến tập thơ riêng, trở thành “trên cả tuyệt vời” đối với tôi.

Nửa đêm chợt nhớ bài thơ cũ

Tuổi già, ngoài việc lo chống chọi với bệnh tật, chỉ còn lại ký ức: tuổi thơ của mình trong đó có những bài thơ của mình.

Đêm kích dưới chân đồi Pá. Cám ơn nhà văn, nhà thơ Trần Hoài Thư đã trích, đã nói hộ tôi gần như trọn vẹn trong bài “Tính nhân bản trong văn học miền Nam” in trong Thư Quán Bản Thảo số 58. Dưới chân đồi Pá, đêm thật im vắng chờ đợi phút giây chết chóc xảy đến, người lính tôi hoàn toàn tự do trút những ý nghĩ chân thật của mình về cuộc chiến lên vỏ bao thuốc lá chờ sáng mai chép lại gởi bạn bè văn thơ đọc. Và bản thảo ấy đến với Khởi Hành, được chấp nhận. Sau này, có thì giờ, được đọc hai nền văn học Nam, Bắc Việt Nam trong các giai đoạn, tôi hiểu đâu là văn chương tự do, báo chí tự do.

Khi được nghe kể lại về cái chết của Chuẩn Úy Nguyễn Văn Uy (nhà văn Y Uyên), bạn đồng khóa Thủ Đức với tôi và cùng về Tiểu khu Bình Thuận : trúng viên đạn đầu tiên anh đã ngã chết, nhưng sau đó, khi thấy cái lon Chuẩn Úy gắn trên nắp túi áo, những người phía bên kia đã trút tiếp lên ngực anh cả một băng đạn, nát hết ngực, tôi hiểu những người đó đã được dạy về lòng thù hận con người đến mức nào! Uy chết cách chỗ tôi chỉ khoảng 40 km.

Đêm kích dưới chân đồi Pá. Mìn claymore đã được gài sẵn, súng hờm sẵn, đơn vị tôi nằm rải bên bờ mương khô chờ những người đã được dạy rất kĩ lòng thù hận con người kia “vác hận thù đi xuống”. Riêng tôi còn chờ một thứ khác hơn: ngọn đồi này mai sẽ thành rẫy.

Tôi không có lòng thù hận con người, tôi không thích chiến tranh. Nhưng, tôi đã sống trọn vẹn với chiến tranh, đến 18 giờ chiều 29/4/1975, tại Bãi Sau Vũng Tàu, khi những người phía bên kia từ trại Chí Linh  dày đặc tiến lên đồi cát và Tiểu đoàn ban lệnh Đại đội (vừa tái thành lập sau di tản, ngày 27/4) rút về Bãi Trước, để lại lưng đồi vì không thể lấy xác một thiếu úy và hai binh sĩ chết vì đạn pháo 130 ly từ Long Hải bắn qua suốt ngày 29; đến 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, sau khi nghe lệnh phát ra từ Tổng Thống Dương Văn Minh, đại đội tập họp bên gành đá Bãi Trước, ném hết súng đạn xuống biển, ngậm ngùi chia tay, tìm phương tiện về quê.

Cỏ sẽ thấy người nắm tay người. Sau ngày cải tạo về, tôi cũng nắm được một số bàn tay nhưng tôi cũng hiểu vì sao những bàn tay nắm không được chặt.

Một lần gặp nhau, Nguyễn Bắc Sơn đưa cho tôi một bài thơ chép tay tựa là Ngộ nhận. Buồn cười là Ngộ nhận viết về việc vợ chồng cãi nhau, nhưng tôi chú ý đến đoạn sau:

Xin em ngừng tiếng nói
Hai ta nói lộn lời
Máu của dân ta còn chảy ngược
Bao giờ giọng nói chảy về xuôi?

Giọng nói hai vợ chồng  Nguyễn Bắc Sơn chẳng mấy chốc đã chảy về xuôi. Còn giọng nói của dân tộc ta? Mấy mươi năm tôi cố lắng nghe. Lắng nghe. Gần đây tôi cũng thấy vui vì có một tờ báo văn học trên mạng trong nước đã đăng một loạt bài về Văn học miền Nam, đăng bài của Trần Hoài Thư, đăng nguyên văn bài giới thiệu Thơ Miền Nam trong thời chiến của nhà phê bình văn học Đặng Tiến... Tôi lại vừa đọc được một bài thơ của nhà thơ cựu bộ đội Trần Mạnh Hảo viết trong một buổi viếng mộ một người em trai trong nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tại Biên Hòa, trong đó có đoạn:

Em nằm đây hóa đất này
Chết cho điều có thật
Là đất nước đắng cay
Anh cầm súng cho điều hoang tưởng

Tôi vừa nghĩ một điều rất tầm thường: khi tất cả mọi người đều cùng nhau bình tâm nhận định thật rõ về những điều có thật và những điều hoang tưởng thì lúc ấy  giọng nói sẽ chảy về xuôi.

Lời bày tỏ những ý nghĩ của mình trong một đêm chiến cuộc được Khởi Hành phổ biến giới thiệu cho những người đọc tôi nghĩ đa số là những quân nhân trong QLVNCH , xin cám ơn anh Viên Linh. Những bài thơ trong thời chiến của tôi được Thư Ấn Quán, Thư Quán Bản Thảo phổ biến giới thiệu cho những người đọc thuộc đủ mọi thành phần hiện nay ở ngoài và cả trong nước, xin cám ơn các anh Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Đặng Tiến. Tôi cũng xin cám ơn những người bạn đã đánh máy, gởi chuyển giới thiệu thơ tôi đến Khởi Hành, Thư Quán Bản Thảo: các bạn Huỳnh Hữu Võ, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Lệ Uyên.


Nguyễn Dương Quang
Đà Lạt,06/11/2014

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 62 – Tháng 12.2014 – Chủ đề KHỞI HÀNH VÀ TÔI




Từ trái sang phải:
Ngồi:   1.Thái Văn Thạnh   2.Huỳnh Hữu Võ    4.Nguyễn Dương Quang   5.Hàn Sa
Đứng:   1.Nguyễn Lệ Tuân   4.Vũ Đức Sao Biển   6.Tô Duy Thạch   8.Phạm Cao Hoàng
(Ảnh chụp ở Duồng năm 1970)