Monday, July 28, 2014

886. NGUYÊN MINH Sơn là Núi, Vân là Mây, và Phượng như bùa hộ mệnh


Nguyên Minh
Sơn là Núi, Vân là Mây, và
Phượng như bùa hộ mệnh




Phượng và Sơn Núi  
Ảnh: Nguyễn Hữu - 1988




Quán Văn liên tiếp 3 số báo viết về chủ đề 3 nhân vật trong giới văn học nghệ thuật: 1. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, 2. Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, 3. Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn. Tất cả đều mang tên Sơn. Như ba hòn núi Tam Điệp đã từng làm nên những khuôn mặt đa dạng của văn học miền Nam.

Trong Quán Văn số 24 này, rất nhiều nhà nghiên cứu văn học, nhà văn, nhà thơ trong nước cũng như ngoài nước, trước và sau 1975 viết rất nhiều về văn thơ của Sao Trên Rừng, Nguyễn Đức Sơn. Riêng tôi, tôi chỉ viết về những cảm nhận về con người nửa thật nửa hư, như ngày và đêm, ngày nổi loạn, đêm âm thầm cô đơn. Sao Trên Rừng. Nguyễn Đức Sơn.

Có những trùng hợp giữa tôi và Nguyễn Đức Sơn. Tôi và Nguyễn Đức Sơn cùng sinh ra trong một tỉnh lỵ nhỏ nhất miền Nam: Ninh Thuận. Tôi ở thị xã Phan Rang. Nguyễn Đức Sơn tại nông thôn, làng Nại, vùng biển. Cả hai chúng tôi nguyên quán là Thừa Thiên Huế. Cha mẹ chúng tôi đều là công chức từ Huế vào làm việc tại đây.


Mối tình đầu

Những năm tháng cùng sống trong thị xã nhỏ này hai chúng tôi lại không quen biết nhau. Khi tôi bắt đầu bước chân vào con đường văn chương, tôi mới đọc được những tập truyện ngắn: Cát bụi mệt mỏi, Cái chuồng khỉ, Xóm chuồng ngựa của Nguyễn Đức Sơn do nhà xuất bản An Tiêm của thầy Thanh Tuệ ấn hành với lòng ngưỡng mộ đặc biệt. Tôi chỉ hình dung một Nguyễn Đức Sơn qua văn chương còn ngoài đời tôi chưa có dịp gặp mặt mặc dù năm 1970 tôi làm tờ Ý Thức có đăng thơ của Nguyễn Đức Sơn. Nhưng tôi tình cờ gặp mặt chị Mỹ, nhân vật chính trong một truyện ngắn của Nguyễn Đức Sơn, Mỹ thành Mỵ. Trước đó khi đọc truyện ngắn này tôi hình dung nhân vật nữ này có khuôn mặt tròn trĩnh, đôi môi lúc nào cũng ướt mọng, đôi mắt u hoài, người con gái tuổi mới lớn đó đã làm anh chàng lang bạt kỳ hồ cùng trọ trong nhà say mê đắm đuối. Tiếc thay, cha nàng biết được và không chấp nhận mối tình đó vì cùng họ hàng. Chàng bỏ ngôi nhà gỗ đó. Chàng rời đất sương mù Dran ra đi. Người con gái đó được gia đình cho xuống Sài Gòn tiếp tục học hành. Nguyễn Đức Sơn bộc bạch tình cảm trong sáng của mối tình đầu đời cùng những đố kỵ, ràng buộc một thứ luân lý đạo đức mơ hồ.  Không biết có phải kết quả câu chuyện tình này giống như chuyện tình của tôi với người con gái mới lớn mang chữ T. nên làm tôi đánh giá đó là truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Đức Sơn. Những nhân vật nữ trong văn chương đã làm tôi nhớ mãi như Nga trong Ung thư của Thanh Tâm Tuyền, Quỳnh của Trần Hoài Thư, Duyên trong thơ Nguyễn Tất Nhiên. Mơ hồ trong trí tưởng tượng. Cơ may tôi được gặp nhân vật Mỵ. Khi tôi mở nhà sách Tiếng Việt tại 11 Nguyễn Thái Học, Phan Rang, hai cô bạn láng giềng thường ghé vào mua sách, thấy mấy cuốn truyện ngắn của Nguyễn Đức Sơn, họ ngạc nhiên và hỏi tôi có biết gì về tác giả này không? Tôi lắc đầu. Một cô mua về đọc. Sáng mai đến cho tôi hay đúng là anh Nguyễn Đức Sơn, người anh họ xa lắc với tụi em, đã từng ở trọ khi gia đình em ở Dran lúc chưa dọn về Phan Rang. Anh viết về mối tình với chị em. Bây giờ chị ấy đã có chồng có con, thỉnh thoảng có về thăm gia đình. Tôi gặp chị. Chị đẹp thật. Đôi mắt mí lót và lông mi uốn cong, cái nhìn hơi u uất. Tôi cho chị biết trong văn chương của Nguyễn Đức Sơn tên chị đã bỏ dấu ngã thêm vào dấu nặng. Cho nặng tình. Chị biết và có đọc thơ văn Nguyễn Đức Sơn. Chị rất xúc động. Chị còn cầu mong anh ấy hạnh phúc bên người vợ mới. Thôi! Giã từ một thời đã qua. Tôi nghĩ có dịp gặp mặt Nguyễn Đức Sơn tôi sẽ kể. Thắm thoát mấy mươi năm qua, dễ chừng nửa thế kỷ sau, tôi mới đối diện với anh ở trên đồi Phương Bối Am.

Buổi chia tay tại quán cà phê Lối Xưa ở Bảo Lộc, bạn bè ngồi quanh chiếc bàn dài có vợ chồng Lữ Kiều, vợ chồng Hồ Thanh Ngạn, Châu Văn Thuận, tôi, từ Sài Gòn lên Đà Lạt, Đinh Cường từ Mỹ về, cùng nhau thuê taxi lên thăm Nguyễn Đức Sơn, uống với nhau vài chai ly. Tôi ngồi sát Nguyễn Đức Sơn. Tôi ghé sát tai anh, thì thầm:

“Ông còn nhớ cô Mỵ không?”

 Như chạm phải điện giật, ông nói cà lăm:

“Sao ông biết?”

 Tôi cười nhẹ:

“Năm mươi năm trước tôi có gặp cô Mỵ của ông và cô Mỹ của người khác. Gia đình cô ấy có một thời dọn xuống Phan Rang, ở cạnh nhà tôi.”

 Tôi tưởng Nguyễn Đức Sơn sẽ vồ vập hỏi tới tin tức về người tình xưa. Tôi chưng hửng khi Nguyễn Đức Sơn hỏi với giọng cay cú:

“Ông S. chết chưa?”

 Tôi bực mình: 

“Rồi. Từ lâu.”

Tôi chửi thầm: 

“Thằng cha này thù dai. Chỉ nhớ mối hận ông S. cha cô Mỵ đã đuổi hắn đi. Đồ vô tình.”

Nhưng tôi đã lầm. Có cú điện thoại của cô chủ quán gọi cho tôi vài ngày sau khi về lại Sài Gòn, cho hay:

“Không hiểu chú nói gì với chú Nguyễn Đức Sơn mà sau khi mọi người ra về, riêng chú Nguyễn Đức Sơn ngồi lại một góc nhỏ trong quán, mặt đăm chiêu, im lặng và cháu thấy những giọt nước mắt đang rơi trên da mặt nhăn nheo. Quen với chú Nguyễn Đức Sơn đã lâu chưa bao giờ cháu thấy cảnh tượng này. Hình như chú ấy nhớ đến ai đó trong tận cùng trí nhớ mà hình như chú đã khơi lại.”

Thì ra phản ứng của Nguyễn Đức Sơn bao giờ cũng ngược lại tâm tư thầm kín trong lòng. Nỗi cô đơn xé nát tim anh. Muốn biết tin người yêu xưa không dám hỏi. Nếu anh có hỏi tôi cũng không biết hiện giờ cô Mỵ sống chết ra sao. Lưu lạc phương trời nào?


Như một nghiệp dĩ

Nhân vật Mỵ của mối tình đầu ngang trái đã khởi mầm làm nên những truyện ngắn tuyệt vời của Nguyễn Đức Sơn, thì nhân vật Phượng, người vợ trẻ đẹp là động cơ thúc đẩy cho Nguyễn Đức Sơn tuôn ra những bài thơ bất hủ trong Đêm Nguyệt Động.

Lúc tôi chưa gặp chị Phượng tôi hình dung chị đẹp như một cô “đầm lai” như một vài người bạn thân của Nguyễn Đức Sơn diễn tả. Người con gái tuổi mới lớn, mồ côi sống trong một ngôi chùa của người cậu ruột. Mượt mà. Duyên dáng. Và cô là học trò của anh chàng lang bạt kỳ hồ Nguyễn Đức Sơn bấy giờ đang mở lớp dạy tiếng Anh. Nguyễn Đức Sơn tỏ tình với người mình yêu mãnh liệt, không như rụt rè như với nhân vật Mỵ thuở mới biết yêu.  Như một định mệnh đã được xếp đặt từ kiếp nào. Nguyễn Đức Sơn làm đám cưới với cô Phượng. Hôn lễ diễn ra tại Chùa Tây Tạng – Bình Dương. Cũng như một vở kịch. Một chàng thi sĩ ngông cuồng, một cô vợ Việt lai Tây đẹp như tiên. Một nhà văn nghèo mạt rệp, và nhất là trong những năm tháng cả nước lao đao, đời sống quá vất vả, điêu linh, biết bao cuộc hôn nhân một thời lý tưởng, đã từng gắn bó lại tan rã, chia ly. Tôi cứ nghĩ chị Phượng đã giã từ ông chồng nhà thơ, nhà văn đói rách này ra đi, trở về quê cha, trời Tây là lẽ đương nhiên.

Năm 2011, Đinh Cường cùng anh anh em Ý Thức cũ rủ nhau lên Đà Lạt. Cái dốc từ đường lộ xuống ngôi nhà có gắn bảng điền trang Thân Trọng như một thách thức tuổi già của chúng tôi. Phải lần theo mép rào những hông nhà, bước từng bước một, dò dẫm trên con dốc chúi mũi, vừa thở phào vì sợ vấp té. Tuổi 70 mà ngã xuống chắc là tiêu đời. Nhìn Đinh Cường bị chiếc va ly to tướng trượt dốc kéo theo một thân hình ốm yếu đang ngả người phía sau như cố níu lại, lấy thăng bằng, Đinh Cường như một người đang cưỡi một con ngựa bất kham, cố nắm giây cương ngả người để thắng ngựa lại. Hình ảnh này tôi vẫn lởn vởn trong tâm trí tôi. Một điều tôi thắc mắc: “Đi du lịch một hai hôm với bạn bè, chỉ mang một xách nhỏ thôi. Có phải như đi ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài về Việt Nam đâu?” Đinh Cường giải thích: “Đây là quà từ Mỹ của mấy bà vợ ông chồng là bạn của Nguyễn Đức Sơn gởi về cho chị Phượng và hai cô con gái. Ngày mai mình phải mang đi trên taxi về Phương Bối Am.”

Tôi lên Phương Bối Am đầu tiên vì  tò mò muốn biết về đời sống thường nhật của Nguyễn Đức Sơn là thứ yếu, mà chủ tâm là nhân vật Phượng. Phượng của ngày xưa và Phượng bây giờ.

Tôi không ngạc nhiên lắm về tính cách ngông cuồng của Nguyễn Đức Sơn, không nể nang ai hết. Anh chửi bới lung tung. Anh văng tục một cách tự nhiên không cần biết trước mặt mình là phái nữ rất ngại ngùng, đỏ mặt khi nghe những từ ngữ nói về giống đực giống cái của con người. Anh còn làm trò khỉ, banh mồm, nhăn răng, trợn mắt. Chúng tôi ngồi trong mâm chiếu bên những món ăn chay, từ măng non, bắp chuối, khoai lang khoai mì đều được trồng quanh nhà. Gia đình anh từ lâu ăn chay trường quanh năm. Anh đãi khách cũng vậy. Những câu chuyện vui, những mẫu tiếu lâm thời đại Nguyễn Đức Sơn kể với giọng khôi hài, châm biếm làm thu hút mọi người. Riêng tôi, một hình ảnh bất ngờ tôi nhìn thấy thấp thoáng bên cạnh chiếc cửa gỗ: một người đàn bà ốm o, hai tay vòng lại trước ngực, như đang chầu chực ai đó sai bảo. Tự nhiên tôi nhớ lại những gì đã nghe người khác kể về cảnh hành hạ vợ con của người chồng, người cha độc đoán, gia trưởng Nguyễn Đức Sơn. Tôi mất cảm tình với anh. Bao nhiêu nỗi xót xa và thương mến tôi đổ dồn vào người đàn bà đó.

Chị không còn là Phượng ngày xưa. Chị bây giờ, tiều tụy, xác xơ. Tóc đã hoa râm và dựng đứng như những rễ tre non. Chị lại mang đôi ủng nhựa của người lao động làm vườn. Đôi bàn tay chị đã chai cứng. Bên cạnh chị hôm ấy là Dung, là Hằng, tuổi tác xấp xỉ với chị nhưng họ vẫn mượt mà xinh tươi, dù thời gian có thay đổi hình hài nhan sắc.

Chị Phượng như mắc nợ Nguyễn Đức Sơn từ kiếp nào giờ phải trả cho hết trọn đời. Nguyễn Đức Sơn cũng vậy, kiếp này anh phải sống ngông cuồng cho kiếp trước quá hiền lành, nhu nhược. Như bù trừ. Kiếp này anh phải làm thi sĩ mà thôi.

Cái tên cúng cơm của anh cũng như bút hiệu đã vận vào đời mình.

Tên Nguyễn Đức Sơn nên đời sống của anh phải gắn liền với Đồi Núi. Bạn bè thân thích vẫn gọi anh là SƠN NÚI. Không phải tự nhiên mà anh về Phương Bối Am.

Không phải tự nhiên mà anh bỏ công sức lao động để trồng và bảo vệ một đồi thông rộng bao la.

Cái bút hiệu Sao Trên Rừng thì làm sao anh thích hợp sống dưới đồng bằng phố thị. Cuộc đời anh phải dính liền với rừng.  Anh trồng một rừng thông để nghe tiếng thông reo, và để nhìn những ngôi sao sáng những đêm trời tối trăng.



Phượng dìu Sơn Núi về Phương Bối Am
Ảnh Nguyễn Hữu  - 2013


Không phải tự nhiên mà các con anh thành những nhà sư.

Ai xui khiến Nguyễn Hữu, một người bạn trẻ của anh, mang các con anh gởi vào chùa nuôi dưỡng từ nhỏ, lớn lên họ đã thành những Đại Đức của Phật Giáo.

Nguyễn Đức Sơn làm tôi liên tưởng tới những nhân vật kỳ lạ trong tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung: Hoàng Dược Sư, Châu Bá Thông… Cái ranh giới giữa Thiện và Ác, Chính và Tà, Tốt và Xấu rất mong manh. Những người được mệnh danh là Chính là Tà hành sự lại không được chính danh.

Không phải tự nhiên mà Nguyễn Đức Vân trở vể Bảo Lộc lập Am trồng sim trên một ngọn đồi riêng với cha mình. Cách đây hai năm, Đinh Cường có đưa cho tôi hai dĩa CD thu những bản nhạc do Nguyễn Đức Vân sáng tác hoặc phổ thơ cha anh. Nguyễn Đức Vân ca ngợi tình Người Mẹ yêu thương con. Hình ảnh của chị Phượng. Tôi nghe những bản nhạc của Nguyễn Đức Vân với những cảm xúc mênh mông. Tôi chỉ viết về nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Vân chứ không nói đến Đại đức Thích Giới Lực.

Bây giờ,  tôi nói nhỏ với anh như vầy:

Cha anh, Nguyễn Đức Sơn là Sơn Núi.

Với anh, Nguyễn Đức Vân là Vân Mây.

Cha là Núi, Con là Mây.

Và, hơn hết, bên cạnh cha con anh, còn có một người đàn bà mang tên Phượng. Nàng như một cái bùa hộ mệnh.


Nguyên Minh 
Nguồn: Tập san Quán Văn số 24 - Tháng 7 năm 2014